Cộng đồng chuyên môn Chuyển đổi số trong Giáo dục nghề nghiệp
“Những quốc gia có mong muốn cải thiện hiệu quả công tác phát triển chuyên môn cho giáo viên nên gia tăng số lượng và hình thức bồi dưỡng chuyên môn tại trường, như tư vấn và hỗ trợ, tạo ra mạng lưới giáo viên cùng nhau học hỏi, hợp tác nghiên cứu, và giải quyết vấn đề”.
Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế – OECD (2015), gắn liền công tác bồi dưỡng chuyên môn trong nhà trường vào sự thành công của giáo viên
Đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người là một trong những mục tiêu then chốt được đề cập trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, ban hành theo Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/05/2017 của Thủ tướng Chính phủ (mục tiêu phát triển bền vững số 4 – SGD4). Để đạt được mục tiêu này, việc phân bổ nguồn lực phù hợp tập trung vào nhu cầu phát triển chuyên môn và các hoạt động nâng cao năng lực dành cho đội ngũ nhà giáo là rất cần thiết và quan trọng.
Việc tạo cơ hội và môi trường phù hơp đề các cán bộ nhà giáo được kết nối, học hỏi kinh nghiệm và trao đổi kiến thức với nhau sẽ phá bỏ những cách biệt giữa người với người, gây dựng và mở rộng mạng lưới chuyên môn, chú trọng vào thực tiễn và giải quyết các khó khăn, tạo diễn đàn để chia sẻ tài liệu, công cụ và các dữ liệu hữu ích…
Xuất phát từ mục tiêu phát triển giáo dục bền vững của quốc gia và nhu cầu thực tiễn của đội ngũ nhà giáo, việc hình thành và phát triển cộng đồng chuyên môn (CĐCM) mang một vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Cộng đồng chuyên môn là gì?
CĐCM là tập hợp những thành viên có tính tổ chức, có cùng quan tâm, sở thích và đam mê với một chủ đề/lĩnh vực cụ thể, cùng nỗ lực để đạt được những mục tiêu cá nhân và mục tiêu chung đã định trước, trao đổi thông tin và hoạt động theo định kỳ (World Bank, 2021).
CĐCM Chuyển đổi số (CĐS) trong Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tập hợp cán bộ quản lý, nhà giáo nòng cốt từ các cơ sở GDNN, các chuyên gia trong nước và quốc tế cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, bài học thực thế, thách thức và giải pháp gắn với sáu nội dung/hợp phần cơ bản của CĐS trong GDNN (Hình 1). CĐCM giúp nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ quản lý và nhà giáo đồng thời, mở ra cơ hội hợp tác, hỗ trợ và thúc đẩy chia sẻ nguồn lực giữa các cơ sở GDNN.
Tầm quan trọng của Cộng đồng chuyên môn CĐS trong GDNN
Trong kỷ nguyên công nghệ số đang ngày càng phát triển nhanh chóng, CĐS là chủ đề rộng, thách thức, luôn mang tính mới, đòi hỏi cách tiếp cận tổng thể và toàn diện với sự tham gia từ nhiều bên liên quan và ở mọi cấp độ trong tổ chức. Nói cách khác, một cá nhân không đủ khả năng giải quyết được mọi vấn đề gắn với toàn bộ sáu hợp phần của hệ sinh thái CĐS trong GDNN như Hình 1. Ngay cả với một chủ đề cụ thể trong một hợp phần CĐS, ví dụ “xây dựng học liệu số” cũng cần tập hợp thế mạnh chuyên môn từ nhiều cá nhân về phương pháp sư phạm, tích hợp công nghệ, đánh giá, đảm bảo chất lượng, hành lang pháp lý gắn với xây dựng học liệu số.
Việc xây dựng và duy trì CĐCM mang lại giá trị và tiềm năng như cập nhật và phát triển chuyên môn cho nhà giáo, nhận được sự hỗ trợ từ CĐCM, nâng cao khả năng đóng góp cho nhà trường và cho cộng đồng, mở ra cơ hội hợp tác và chia sẻ nguồn lực, mở rộng mạng lưới chuyên môn…
Tinh thần chung của Cộng đồng chuyên môn Học liệu số
Tôn trọng và tin tưởng: Tôn trọng và lắng nghe có tiếp thu mọi ý kiến đóng góp, phản biện. Tôn trọng vai trò và đóng góp của các thành viên, để mỗi người là trở thành một nhân tố tạo ra sự đổi mới và góp phần đạt được mục tiêu chung. Tinh thần cởi mở, sẵn sàng chia sẻ và thẳng thắn đưa ra những đóng góp và phản biện mang tính xây dựng. Sự tin tưởng cần được xây dựng và duy trì bằng nỗ lực của tất cả các thành viên trong CĐCM.
Cam kết: Thực hiện những gì đã cam kết, có trách nhiệm chung đối với việc hoàn thành mục tiêu và trọng tâm của CĐCM trong tiến trình nâng cao chất lượng GDNN.
Bền vững: Đề cao tinh thần chính chủ, đặt lợi ích chung, mục tiêu và trọng tâm của CĐCM lên trước, ưu tiên triển khai hoạt động thực chất.
Hợp tác và chia sẻ: Các thành viên hợp tác trong nội bộ trường và trong 11 trường xây dựng các sản phẩm học liệu số cụ thể, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay, những bài học và gợi ý giải pháp cho những thách thức, chia sẻ nguồn tài liệu phù hợp.
Tích cực và chủ động: CĐCM hoạt động trên cơ sở tự nguyện, xuất phát từ nhu cầu và lợi ích của người tham gia. Khi đã tham gia, thành viên được kỳ vọng chủ động và tích cực tham gia vào các hoạt động, đóng góp ý tưởng, thời gian và nỗ lực trong quá trình triển khai. Thành viên thấy CĐCM không phù hợp có thể rời nhóm.
Thiết thực và hiệu quả: CĐCM Học liệu số để phục vụ nhu cầu thiết thực của nhà giáo và nhà trường. Các hoạt động hướng đến hiệu quả và thực chất, không theo hình thức.
Đối tượng tham gia, vai trò và vị trí của các thành viên CĐCM
Đối tượng tham gia
CĐCM tập hợp cán bộ quản lý, nhà giáo, cán bộ đào tạo, doanh nghiệp, chuyên gia có quan tâm và cam kết đến chủ đề CĐS trong GDNN
Vị trí | Vai trò |
Nhóm điều phối CĐCM | Gồm 02 – 03 thành viên nòng cốt, điều phối hoạt động CĐCM trước mắt cho giai đoạn 7.2024-12.2024 |
Trưởng nhóm | Gồm 06 trưởng nhóm phụ trách làm việc theo nhóm chủ đề đã được phân công. Các nhóm chủ đề sẽ có tương thích và phù hợp với các hợp phần của hệ sinh thái CĐS |
Thành viên | 20 nhà giáo chọn lọc từ 11 trường cao đẳng tham gia hoạt động chung của CĐCM, được phân chia theo nhóm chủ đề chuyên môn dựa trên nhu cầu và sự quan tâm học hỏi |
Giai đoạn phát triển
CĐCM hình thành, phát triển và duy trì hoạt động qua 04 giai đoạn chính: Hình thành, Gắn kết, Phát triển và Quản lý và duy trì hoạt động.
Giai đoàn hình thành: Tập trung cùng nhau hiểu bản chất của CĐCM CĐS trong GDNN là gì, hình thành Nhóm Điều phối từ 02 – 03 thành viên tâm huyết, có vai trò dẫn dắt CĐCM để đạt được mục tiêu cụ thể đã định ra. Nhóm Điều phối xác định mục tiêu cơ bản, tầm nhìn phù hợp với nhu cầu, quan tâm của các thành viên CĐCM. Vai trò của từng thành viên Nhóm Điều phối cần rõ ràng và nên có kế hoạch hoạt động cụ thể cho CĐCM, ít nhất trong Quý 3 hoặc 06 tháng cuối năm 2024.
Giai đoạn gắn kết: Tập trung tìm hiểu bối cảnh, nhu cầu, xác định và kiểm chứng mô hình vận hành CĐCM. Công việc bắt đầu bằng phân tích hệ sinh thái, những nguồn lực hiện có và đánh giá nhu cầu và mong muốn của các thành viên. Đây là tiền đề để định hình nên hình hài của CĐCM và thiết lập mục tiêu, các hoạt động cốt lõi. Giai đoạn này đòi hỏi sự cởi mở tiếp nhận các ý tưởng, thử nghiệm, học hỏi và kiểm chứng kết quả với mục tiêu đặt ra ban đầu.
Giai đoạn phát triển: Điểm mấu chốt ở giai đoạn này cần dựa trên kết quả của 02 giai đoạn trước giúp khẳng định thực sự thành viên có nhu cầu và tiềm năng mang lại giá trị, lợi ích cho các bên khi hình thành nên CĐCM. Đây cũng là thời điểm xác định và đảm bảo các nguồn lực, nền tảng và hà tầng (ví dụ: công cụ số hỗ trợ, vai trò và trách nhiệm của thành viên, nguồn lực từ các bên, phát triển thành viên…)
Giai đoạn quản lý và duy trì hoạt động: Đây là giai đoạn CĐCM bắt đầu đi vào hoạt động ổn định với các hoạt động trao đổi, hợp tác, chia sẻ học liệu số cụ thể. Giai đoạn này tiếp tục quan sát và điều chỉnh để đảm bảo sự phù hợp mô hình vận hành CĐCM, đánh giá hiệu quả hoạt động và tác động